Giới thiệu

Thầy giáo Y Jút H’wing (1885-1934) là người Êđê đầu tiên có công lớn trong việc biên soạn bộ chữ viết của người Êđê; không chỉ thể hiện xuất sắc vai trò giáo viên ưu tú mà ông còn là một người con tiên phong trong phong trào kháng Pháp ở Buôn Ma Thuột vào đầu thế kỷ 20.

Thầy giáo Y Jut là một nhân sỹ yêu nước người dân tộc Ê-đê, một người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên. Thầy là một trong số ít ỏi trí thức người dân tộc thiểu số thời Pháp thuộc. Hồi nhỏ ông theo học ở Trường Tiểu học Pháp – Êđê, Buôn Ma Thuột. Năm 1912 ông học trung học sư phạm tại trường Khải Định, Huế. Tốt nghiệp xuất sắc, ông tình nguyện trở về trường Pháp – Êđê ở quê hương để dạy chữ cho đồng bào mình chứ không làm quan lại để cầu vinh hoa phú quí. Thầy Y Jut đã cùng bạn bè như Y Ut, Y BLul tìm hiểu mẫu tự La tinh và vần Ê-đê đặt ra bộ chữ viết Ê-đê ngày nay.

Thời  đó, viên công sứ Pháp được giao quyền cai trị vùng Tây nguyên là Sabatier. Y là một tên thực dân khét tiếng tàn bạo, khinh miệt người bản xứ, coi họ như mọi rợ, cấm đoán ngăn cách họ với thế giới bên ngoài của hắn đã gây ra nhiều sự bất bình trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đầu năm 1925, thầy Y Jut và thầy Y Ut cùng bạn bè bí mật tổ chức lực lượng định ám sát viên công sứ này nhưng không thành. Đầu tháng 10-1925, hai thầy chuyển sang tổ chức đấu tranh công khai và tập hợp được đông đảo học sinh và giáo viên trường Pháp-Êđê  tham gia biểu tình phản đối Sabatier, đồng thời gửi thư tố cáo hành vi tội ác của tên này đi khắp nơi. Hành động của Y Jut và những người cùng chí hướng đã buộc thực dân Pháp phải đưa Sabatier đi khỏi Đắk Lắk.

Bằng hoạt động giáo dục và xã hội của mình, người thầy đáng kính ấy đã truyền lại cho các thế hệ học trò nhiệt tình yêu nước và khát vọng khai sáng quê hương. Nhiều người trong số đó như các cụ Y Wang Mlô, Y Bih Aleo… đã trở thành những cán bộ cách mạng đầu tiên của người dân tộc ở Đắk Lắk khi có ánh sáng của Đảng soi đường.

Câu nói nổi tiếng của thầy Y Jut đã thể hiện khát vọng của một người trí thức yêu nước: “Chúng ta phải có chữ của người Êđê, chúng ta cũng cần học tiếng Pháp thật giỏi để người Pháp không dám gọi ta là Mọi”.

Có thể thấy, thầy Y Jut H’Wing đã có tư tưởng tiến bộ từ rất sớm, xác định được tiền đề phát triển cá nhân và cộng đồng được kết tinh từ văn hóa dân tộc và sự tiến bộ của nhân loại. Nó đã trở thành động lực thúc đẩy thế hệ trẻ ở Tây Nguyên luôn nỗ lực, tìm tòi sáng tạo trong học tập cũng như lao động để khẳng định chính mình trong xu thế hội nhập với quốc tế.

Để tôn vinh những đóng góp to lớn của thầy giáo Y Jut gần đây, Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung (Trường Đại học Tây Nguyên) và nghệ nhân Võ Văn Hải (hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk) đã làm nên quyển sách bằng gỗ độc đáo với 4 ngôn ngữ: Việt, Êđê, Anh, Pháp với tựa đề: “Thầy giáo Y Jút H’Wing – người con ưu tú của Tây Nguyên”, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.

 

Sưu tầm